Bảo đảm an toàn thực phẩm: Chọn điểm đột phá để tập trung thực hiện
(Sự kiện mới – tintuphuong.com) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về vệ sinh an toàn thực phẩm nhấn mạnh yêu cầu này với các Bộ, ngành trong cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 26/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về vệ sinh an toàn thực phẩm, sáng 26/12.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2014 ngành Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nên mang lại hiệu quả tích cực, góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP.
Bộ NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn quốc.
Ngành Y tế lập 5 đoàn kiểm tra ATTP tại một số địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, bảo đảm ATTP trong một số lễ hội tại địa phương; tổ chức các đoàn kiểm tra tại 5.646 cơ sở sản xuất nước đóng chai; 990 cơ sở sản xuất kinh doanh sữa; 2.823 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm; 119.024 bếp ăn tập thể… Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 3.053 cơ sở.
Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính trên 31 tỷ đồng.
Các đơn vị cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong toàn quốc đã phát hiện 21.521 vụ vi phạm pháp luật về ATTP với 661 tổ chức, 1.320 cá nhân vi phạm; xử lý hành chính 1.253 vụ với tổng số tiền phạt trên 12 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công tác quản lý, kiểm định chất lượng nước sinh hoạt đã có chuyển biến tích cực khi ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra khoảng 14.000 cơ sở cấp nước trên toàn quốc, tỷ lệ đạt chất lượng xấp xỉ là 80%, tỷ lệ không đạt chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn. Việc công bố kết quả kiểm tra cho thấy sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, địa phương trong cải thiện chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm hằng ngày.
Hai kiến nghị đáng chú ý
Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác giảm sát, xử lý vi phạm ATTP ở cơ sở, lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thanh tra ATTP xã, phường tại 5 tỉnh, TP lớn dựa trên nhân lực hiện có, không bổ sung biên chế, bộ máy.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tập trung làm việc với các địa phương để hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho các đô thị lớn. Theo đó, Bộ NN&PTNT đưa ra quy trình sản xuất an toàn, hình thành những tổ hợp tác để các hộ dân sản xuất theo quy trình an toàn, giám sát lẫn nhau, khi đạt thì cấp giấy chứng nhận.
Các chuỗi này có ý nghĩa quan trọng trong cung cấp thực phẩm an toàn cho các đô thị, nơi hiện có khoảng 30 triệu người sinh sống, trong đó riêng Hà Nội và TPHCM là hơn 15 triệu người. Bộ NN&PTNT dự kiến thành lập ban điều phối tại 2 thành phố này để tổ chức thực hiện các chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn.
“Trong trồng trọt, điều lo ngại nhất là dư lượng hóa chất trên rau, quả do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để đạt được năng suất cao bằng mọi giá. Để giải bài toán này, tôi cho rằng cần triển khai trở lại chương trình quản lý dịch hại tổng hợp; tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng trọt không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chỉ ở mức tối thiểu thay vì tình trạng sử dụng tràn lan nhiều loại thuốc BVTV như hiện nay”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất.
Quang cảnh cuộc họp.
Nâng cao nhận thức về ATTP
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của các Bộ ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP là phải tuyên truyền bằng mọi cách, đơn giản nhất để người dân hiểu và lựa chọn được các loại thực phẩm sạch, hợp vệ sinh trong tiêu dùng.
Trong đó, cần tính thêm cách làm để có chương trình tuyên truyền sâu hơn, tăng thời lượng về ATTP, vấn đề không chỉ liên quan đến sức khỏe người dân mà còn liên quan đến đạo đức xã hội vì ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng người dân có rau để ăn riêng, rau để bán riêng; lợn nuôi để ăn riêng, lợn để bán riêng.
Theo Phó Thủ tướng, việc đảm bảo chất lượng thực phẩm phải làm đồng bộ từ trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, trong đó khâu đầu và khâu cuối cần phải được chú trọng. Đơn cử việc thí điểm đặt máy xét nghiệm ATTP lưu động tại chợ ở các TP lớn (Hà Nội, TPHCM) để người dân mua hàng và kiểm tra ngay sẽ nâng cao ý thức cả người bán lẫn người mua, tẩy chay những thực phẩm không an toàn. Trong khi việc triển khai các chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh ở các trang trại chăn nuôi, các hộ trồng rau, quả thì cần sự tham gia của các đoàn thể địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
Từ kinh nghiệm chỉ đạo kiểm định, cải thiện chất lượng nước sinh hoạt trong năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý các thành viên Ban Chỉ đạo xem xét lựa chọn thêm lĩnh vực để tập trung thực hiện trong năm 2015.
Trước mắt, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ ngành cần thực hiện tốt kế hoạch của Ban Chỉ đạo về bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, trong đó, những quy định về ATTP có liên quan đến DN cần được rà soát, triển khai sớm để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm, kiên quyết các trường hợp vi phạm.
“Bộ Y tế cần chuẩn bị báo cáo về kế hoạch bảo đảm VSATTP dịp Tết Nguyên đán trong cuộc họp giao ban trực tuyến cuối năm giữa Chính phủ với các địa phương sắp tới để Thủ tướng có chỉ đạo cụ thể, trực tiếp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề ra kế hoạch cụ thể: Giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.
Thời gian triển khai kế hoạch từ 15/12/2014 đến hết 30/3/2015 trên phạm vi toàn quốc.
(Theo Chính Phủ)
Bảo đảm an toàn thực phẩm: Chọn điểm đột phá để tập trung thực hiện