Cách Mỹ làm chủ thị trường vũ khí với đồng minh
(tintuphuong.com) – Mỹ và đồng minh đang có những hợp tác qua lại về vũ khí, tuy nhiên, cách Mỹ đang làm chủ cuộc chơi với những mánh khóe của riêng mình
Mỹ nhận của đồng minh những gì?
Ngày 25/12/2014, Tập đoàn Công nghệ quốc phòng Anh BAE System cho biết sẽ cung ứng cho lục quân Mỹ một lô xe chiến đấu bọc thép, với tổng giá trị lên đến 1,2 tỷ USD.
Theo nguồn tin, mẫu xe bọc thép mà Mỹ ký hợp đồng với Tập đoàn BAE là dòng AMPV được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa khung thân của xe chiến đấu bộ binh M2 và hệ thống bánh xích của lựu pháo tự hành M109A7. AMPV sẽ gồm các phiên bản chính là: Xe bọc thép chở quân, xe cứu thương chiến trường, xe tải thương và xe chỉ huy.
Xe bọc thép đa dụng thế hệ mới này sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị xe bọc thép M113 đang phục vụ trong biên chế quân đội Mỹ. BAE cho biết, họ đã bắt đầu đi vào sản xuất 29 chiếc đầu tiên, sau đó sẽ sản xuất tiếp 289 chiếc cho quân đội Mỹ.
Đây là bản hợp đồng rất lớn và phía Anh cảm thấy hồ hởi vì Mỹ đã tạo cho BAE System thêm nhiều công việc, trong bối cảnh họ vừa giải tán hơn 400 nhân công sau khi hoàn thiện tàu sân bay mới cho hải quân Anh.
Một nguyên mẫu AMPV mà Anh sẽ nâng cấp cho Mỹ
Đó là với đồng minh châu Âu thân cận, còn về phía các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ lựa chọn Úc và Nhật Bản là hai quốc gia sẽ được xây dựng căn cứ bảo dưỡng cho tiêm kích tàng hình F-35.
Máy bay chiến đấu hiện đại F-35, phát triển bởi Mỹ, Anh, cùng nhiều nhà thầu khác, sẽ được mua bởi các nước thuộc vùng châu Á-Thái Bình Dương như Nhật, Úc và Hàn Quốc. Căn cứ tại Úc sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng ở vùng phía nam Thái Bình Dương, trong khi một căn cứ tại Nhật sẽ chịu trách nhiệm với những mẫu F-35 ở vùng bắc Thái Bình Dương.
Cả 2 cơ sở này đều có khả năng sửa chữa và nâng cấp khung máy bay và sẽ chính thức khánh thành vào đầu năm 2018. Úc sẽ bắt đầu cung cấp việc nâng cấp động cơ cho F-35 cũng vào thời điểm đó và Nhật là từ 3 đến 5 năm sau. Mỹ, Nhật và Úc sẽ trao đổi thông tin với nhau về những công việc nâng cấp cho F-35, nhằm chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp.
Nhật cũng hi vọng có thể lĩnh hội được công nghệ hiện đại qua công tác bảo dưỡng máy bay như thiết kế thân máy và cách làm động cơ toả ít nhiệt. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phát triển máy bay tàng hình cho riêng mình và mong muốn xây dựng được một thiết kế căn bản, bao gồm các tính năng cần thiết.
Điều này khiến thế giới nghĩ rằng Mỹ đang gián tiếp chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay cho Nhật Bản và Úc, đồng thời trang bị những ưu đãi cực lớn cho các đồng minh này về vấn đề sửa chữa, bảo trì, vân hành các vũ khí hiện đại đắt đỏ này.
Còn với đồng minh Trung Đông, Israel hiện đang trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ về các linh kiện điện tử phục vụ các tên lửa hành trình, cũng như cung cấp UAV phục vụ trong lĩnh vực tập trận, huấn luyện của Mỹ. Lầu Năm Góc cho rằng mua UAV của Israel làm bia bắn sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn khi tự sản xuất và bắn hạ chúng.
Thực chất của lá bài vũ khí
Nhìn vào bức tranh đó và nghĩ rằng Mỹ đang tạo cơ hội cho đồng minh, hay các đồng minh của Mỹ sớm muộn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với nền kinh tế quốc phòng Mỹ là một cái nhìn phiến diện và sai lầm.
Có thể thấy ngay hợp đồng 1,2 tỷ USD của Mỹ với Anh đơn thuần là việc nâng cấp hệ thống xe thiết giáp cũ kỹ của Mỹ trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn trong chiến đấu. Và những công việc đó Anh hoàn toàn có thể đáp ứng, thay vì các công ty quốc phòng của Mỹ sẽ phải đầu tư nhân lực vật lực.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ
Còn với Úc, Nhật Bản, việc đưa công nghệ và dây chuyền sửa chữa đặt trên lãnh thổ những quốc gia này cũng với dụng ý tương tự. Bởi họ đã là những khách hàng tiềm năng với những bản hợp đồng cực lớn của loại máy bay chiến đấu F-35 này. Ví dụ như Nhật Bản, Tokyo đã có kế hoạch mua hàng chục chiến đấu cơ này để thay thế phi đội F-16 già cỗi của mình.
Chính sách hậu mãi này là điều hoàn toàn có thể chấp nhận với một cường quốc giỏi làm kinh tế như Mỹ. Hay tương tự như trường hợp của Israel, Mỹ mua về những thiết bị để phục vụ tập trận, huấn luyện, nhưng họ bán sang Israel những thứ vũ khí để giết người, để thực chiến và ràng buộc quốc gia này vào công nghệ vũ khí Mỹ.
Tiêu biểu như hồi tháng 7/2014, bất chấp việc Israel không kích, tấn công vào dải Gaza, Mỹ vẫn cung cấp cho quốc gia đồng minh Trung Đông này một loạt các vũ khí từ pháo, súng cối, súng phóng lựu có trị giá tới 1 tỷ USD.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2001-2012 Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nga. Năm 2011 Mỹ ký các hợp đồng bán vũ khí với giá trị lên đến 66,3 tỉ USD. Năm 2012 con số này vào khoảng 63 tỉ USD. Năm 2013, Stockholm đưa ra báo cáo Mỹ vẫn đang giữ vững vị trí là quốc gia có doanh thu xuất khẩu vũ khí cao nhất.
Có thể thấy rằng với đồng minh, Mỹ bán ra những loại vũ khí đắt tiền, hiện đại. Sử dụng vũ khí như một nước cờ để ràng buộc từ địa chính trị cho đến quan hệ ngoại giao. Và đáp lại, họ tặng cho đồng minh những hợp đồng tưởng chừng béo bở, nhưng thực tế là nhỏ nhặt và xương xẩu.
Sự hợp tác qua lại đó khiến Mỹ vẫn làm chủ được thị trường vũ khí thế giới, trong bối cảnh các đồng minh của họ cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ.
(Theo Đất Việt)
Cách Mỹ làm chủ thị trường vũ khí với đồng minh