Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Published 10:07:00 by

Mỹ gây bất ổn xây mộng bá chủ?

Mỹ gây bất ổn xây mộng bá chủ?


(tintuphuong.com) – Tham vọng bá chủ, chiến lược kiểm soát dầu khí, kiềm chế các đối thủ của Mỹ đang đẩy nhiều khu vực vào hỗn loạn và hủy diệt.



Dù có những thay đổi, song Mỹ vẫn giữ nguyên mục tiêu cơ bản trong chính sách của mình là thiết lập quyền bá chủ trên toàn thế giới về chính trị, kinh tế, quân sự. Bất chấp thế giới có nhiều biến động, Mỹ vẫn không chấp nhận thực tế, vẫn thực thi các biện pháp “điên rồ” cho các mục đích của riêng mình.


Một trong những chiến lược nổi bật mà Mỹ đã và đang tiến hành trong nhiều thập kỷ qua là kiểm soát về mặt chính trị, kinh tế các khu vực giàu năng lượng trên toàn thế giới. Chiến lược của Mỹ cũng nhằm mục đích kiểm soát sự nổi lên của các đối thủ tiềm tàng trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á.


Nhằm chinh phục thế giới về mặt kinh tế, Mỹ cố gắng thiết lập quyền kiểm soát đối với các nguồn năng lượng trên toàn thế giới cũng như các tuyến đường vận chuyển năng lượng ở khu vực Á-Âu. Với quan điểm này, người Mỹ tin rằng việc phụ thuộc của các nền kinh tế công nghiệp Á-Âu vào Mỹ cần được duy trì thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự.


Sức mạnh quân sự là một trong những công cụ để Mỹ thực hiện tham vọng

Sức mạnh quân sự là một trong những công cụ để Mỹ thực hiện tham vọng



Mục tiêu và chính sách của Mỹ đối với khu vực Caspi (Trung Á, Caucasus, Tây Á) và ở các nơi khác đã và vẫn đang là một phần của chiến lược nhằm củng cố, tăng cường quyền thống trị khu vực và từ đó giúp Mỹ trở thành bá chủ toàn cầu trong thế kỷ 21.


Động lực đằng sau các “vở diễn” của Mỹ không gì khác là tham vọng kiểm soát dầu khí và các nguồn tài nguyên. Đây chính là lý do Mỹ vẫn tiếp tục châm ngòi kích động bạo lực và chiến tranh, sử dụng lực lượng quân đội của mình hay các lực lượng ủy nhiệm ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông.


Có không ít thông tin cho rằng Mỹ sẽ vươn lên trở thành nhà sản xuất năng lượng, trong đó có dầu mỏ, lớn nhất thế giới. Thế nhưng, cần phải thừa nhận một thực tế là các nguồn năng lượng trên thế giới đang cạn kiệt nhanh chóng. Dù có tự sản xuất được dầu mỏ thì Mỹ vẫn phải nhập khẩu. Để tránh tình trạng phụ thuộc và gây nguy hiểm đến vị thế bá chủ toàn cầu của mình, Mỹ cần nắm toàn quyền kiểm soát khu vực Trung Đông.


Ngay từ năm 2001, Báo cáo Năng lượng quốc gia của Mỹ đã dự kiến nhập khẩu gần 2/3 lượng dầu được sản xuất ra trên thế giới. Cũng theo báo cáo này, trong năm 2010, Mỹ cần thêm 50 triệu thùng dầu mỗi ngày, 90% trong số đó được nhập khẩu.


Lượng dầu mỏ chưa được khai thác ở Trung Đông vẫn là nguồn dầu mỏ rẻ nhất trên thế giới. Hơn nữa, các mỏ dầu ở Trung Đông chiếm đến 2/3 số dầu trong các mỏ còn lại của thế giới. Để “chiếm đoạt” nguồn năng lượng khổng lồ này, Mỹ cần phải giữ cho Trung Đông luôn trong tình trạng bất ổn, hỗn loạn. Điều đó sẽ giúp Mỹ giữ cho giá dầu ở mức thấp, đảm bảo dòng chảy an toàn của dầu mỏ và thiết lập sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực để duy trì cái gọi là “hòa bình” ở khu vực này.


Mỹ châm ngòi cho chiến tranh dưới danh nghĩa bảo vệ hòa bình, dân chủ

Mỹ châm ngòi cho chiến tranh dưới danh nghĩa bảo vệ hòa bình, dân chủ



Có một câu hỏi được giới phân tích đặt ra là tại sao Mỹ không “gây chiến” ở Mexico hay Venezuela, những nước cũng có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ? Ngoài việc khó “nuốt trôi” thì lý do khác được đưa ra là hai nước này không có chung đường biên giới với các đối thủ của Mỹ. Khi gây bất ổn ở trung tâm Á-Âu, Mỹ không chỉ kiểm soát được nguồn dầu khí ở đây, mà còn kiểm soát luôn các đối thủ đáng gờm là Nga và Trung Quốc. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà các khu vực xung đột hiện nay đều ở Trung Đông (Iraq, Afghanistan, Syria, Liban, Palestine), Trung Á/Caucasus và mới đây nhất là Ukraine.


Bên cạnh việc kiểm soát nguồn dầu khí, việc kiểm soát dòng chảy của các mặt hàng này cũng rất quan trọng. Cuộc chiến ở Afghanistan đã được bắt đầu bằng sự cố đổ vỡ đàm phán với Chính quyền Taliban xung quanh việc xây dựng đường ống dẫn dầu (Dự án TAPI) từ Trung Á vào Ấn Độ Dương. Thất bại trong việc tìm ra con đường an toàn đi qua Afghanistan là yếu tố cốt lõi dẫn đến cuộc chiến ở Afghanistan và cho đến nay cũng chính yếu tố này tiếp tục định hướng cho chính sách của Washington ở quốc gia này.


Những vị trí mà Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Afghanistan đã chứng minh cho luận điểm trên. Tất cả các căn cứ quân sự đó đều nằm trên tuyến đường dự kiến lắp đặt đường ống dẫn dầu TAPI. Dù không còn được “hoan nghênh”, thế nhưng Mỹ vẫn cố gắng ép buộc Afghanistan ký kết Hiệp định an ninh song phương nhằm đảm bảo cho Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan để đảm bảo cho dòng chảy dầu khí cho nước Mỹ.


Binh sĩ Mỹ huấn luyện binh sĩ Afghanistan tại căn cứ Bagram

Binh sĩ Mỹ huấn luyện binh sĩ Afghanistan tại căn cứ Bagram



Với mục đích “cướp” dầu, kiểm soát nguồn và thị trường dầu khí, Mỹ triển khai hàng trăm căn cứ quân sự trên toàn thế giới. Điều này giúp Mỹ đang là quốc gia duy nhất có khả năng nhanh chóng đáp trả với bất kỳ mối đe dọa nào ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ cũng là trung tâm tạo ra những mối đe dọa kiểu như vậy, để có lý do biện minh cho việc phát động các cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn.


Sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS) là một điển hình. Các tay súng của IS đã và đang được huấn luyện, nhận tài trợ từ Mỹ cùng đồng minh để lật đổ Tổng thống Assad ở Syria. Khi thất bại ở Syria, Mỹ lại hướng IS sang Iraq nhằm tiêu diệt khu vực cộng đồng Hồi giáo Shiite gồm Syria, Iraq, Iran, Lebanon bị Mỹ coi là những nước “cứng đầu”, thiết lập quyền bá chủ ở toàn bộ Trung Đông. Số còn lại trong khu vực hiện đều là đồng minh của Mỹ như Kuwait, Yemen, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và trong mức độ nào đó gồm cả UAE.


Với lập luận này, giới chuyên gia dự đoán cuộc chiến chống IS của Mỹ mới chỉ là khúc dạo đầu. Sau khi phải rút quân ra khỏi Iraq trong tâm trạng “hậm hực” và “dỗi hờn”, giờ đây Mỹ đang quay trở lại cùng với các tay súng ủy nhiệm và chiêu bài chống IS.


Để duy trì tình trạng “bất ổn có kiểm soát”, Mỹ cũng đang “nuôi” các lực lượng ủy nhiệm ở nhiều nước khác trong khu vực. Điển hình là trường hợp Syria, Iraq và dự kiến là Afghanistan, nơi mà Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ rất nhiều tiền cho các lãnh chúa ở đây để họ sẵn sàng chiến đấu khi Mỹ rút quân khỏi đây.


Cho tới nay, quan điểm về việc Mỹ phải chịu trách nhiệm trước tình trạng bất ổn và chia rẽ tại nhiều khu vực trên thế giới được không ít người ủng hộ. Không phải vô cớ mà nhiều người tố cáo những hành động của Mỹ, ít nhất là sau vụ khủng bố 11/9/2001, dưới khẩu hiệu “hòa bình, phát triển và dân chủ” đã dẫn đến hầu hết sự hỗn loạn, tàn phá và hủy diệt mà thế giới đang phải đối mặt.


(Theo Đất Việt)


      edit