Năm 2015: Cuộc chơi trên Biển Đông sẽ thay đổi?
(Biển Đảo) – Cuộc chơi” trên Biển Đông đã bắt đầu thay đổi và trong bất luận trường hợp nào Việt Nam hiện nay, cũng đều tự tin.
Liệu có ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông?
Có 2 điều kiện để thiết lập ADIZ, một là có các trạm radar quan sát để phát hiện các máy bay bay vào khu nhận diện phòng không và hai là có lực lượng thực thi sẵn sàng, ngay và luôn trên khu ADIZ đó.
Trên Biển Đông, nếu Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ thì chắc chắn nó không nằm ngoài không phận đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc đã vạch ra.
Tính chất, ý nghĩa của ADIZ như thế nào thì đã rõ, vì thế, tuyên bố ADIZ trên Biển Đông là hành động cậy mạnh, ức hiếp thô bạo, là hành động xâm lược trắng trợn.
Như vậy, xem ra việc Trung Quốc xây dựng 2 căn cứ trên Gạc ma, Chữ Thập và bao gồm sân bay lớn cho phi đội máy bay quân sự Trung Quốc như J-10, J-11…cất hạ cánh như báo chí Trung Quốc và các học giả tướng lĩnh của họ tuyên bố thì ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian?.
Đồ họa sân bay trên đảo Chữ Thập mà Trung Quốc có thể xây dựng
Trước hết phải công nhận là Trung Quốc đang dồn sức cho việc xây dựng 2 căn cứ hải quân tại Gạc Ma và Chữ Thập. Tại đó sẽ hình thành các kho chứa nhiên liệu và cầu cảng cho tàu quân sự cũng như tàu dân sự vào tiếp tế; tại đó cũng hình thành các trạm radar theo dõi toàn bộ khu vực phục vụ cho quân sự, có các đường băng cho máy bay cất hạ cánh… Nếu như một căn cứ như đồ họa trên tại đảo Chữ Thập hoàn thành, Trung Quốc sẽ có một sân bay quân sự dành cho J-10, J-11 và thậm chí SU-30 tác chiến trên khu vực Trường Sa và eo biển Malacca như báo Trung Quốc phân tích.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn quân sự, liệu có một sân bay như vậy ở đảo Chữ Thập tồn tại để phát huy các ý tưởng trên?
Một sân bay như đồ họa trên về khả năng xây dựng, Trung Quốc có thể; về mặt kỹ thuật bảo đảm, Trung Quốc có thể, nhưng về mặt chiến thuật (phòng thủ) là rất mạo hiểm.
Thứ nhất. Nếu Trung Quốc coi Việt Nam là đối tượng tác chiến thì sân bay trên đảo Chữ Thập, máy bay Trung Quốc cất cánh chưa kịp để ổn định độ cao thì đã vào không phận phòng không của 2 đảo lớn của Việt Nam.
Thứ hai là hệ thống phòng không cho sân bay. Trung Quốc buộc phải bố trí một loạt các tàu mặt nước xung quanh để tạo ra lưới lửa tầm gần mà không có thể phòng thủ từ xa, vì nếu thế thì quá sâu vào thềm lục địa Việt Nam, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường khác. Đây là nguyên tắc tối kỵ trong phòng không bảo vệ mục tiêu, chẳng ai kéo pháo đến gầm cầu để bảo vệ cầu cả…
Thứ ba là dù chưa xây dựng, nhưng truyền thông Trung Quốc cũng đã lấy cái ý tưởng lợi hại của nó để hăm he, đe dọa Việt Nam và eo biển Malacca. Rằng nó chỉ cách Cam Ranh, cách TP Hồ Chí Minh vài trăm km…
Họ đã không nhớ là sân bay Utapao (Thailand), Hawaii (Mỹ), Clac (Subic) cũng chưa ngăn chặn được lực lượng không quân non trẻ của Việt Nam, huống chi bây giờ…Và, quả thật nếu gần đất liền Việt Nam như vậy thì Việt Nam chẳng lẽ lại chịu thúc thủ trước một lực lượng máy bay cỏn con trên một doi cát tí teo giữa Biển Đông sao?.
Có thể nói, xây dựng một sân bay cho tác chiến tại Chữ Thập mà giới truyền thông Trung Quốc ca tụng, tốn rất nhiều tiền của, nhưng sự lợi hại không đáng bao nhiêu so với tàu sân bay. Xây dựng ở đó đã không tránh khỏi sự mạo hiểm thì giới quân sự Trung Quốc không bao giờ xây dựng tiếp một sân bay có tính chất, mục đích, nhiệm vụ như vậy tại Gạc Ma. Vì thế, dù trên đảo Chữ Thập có bao nhiêu máy bay đi nữa, thì để thực thi khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ cũng không thể. Do đó, trong tương lai gần khi chưa có những hạm đội tàu sân bay thì Trung Quốc chưa thể tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
Thế trận mới trên Biển Đông năm 2015
Thế trận phụ thuộc rất lớn vào thế địa lý. Bất kỳ một vị trí địa lý nào nó cũng luôn tồn tại mặc nhiên ngoài ý muốn của con người. Nhưng tùy theo sự tương tác của nó với thế giới xung quanh, tùy theo giá trị mà con người gán cho nó, tùy theo sự khám phá, cải tạo của con người, nó có tầm chiến lược hay không và lợi thế hay thất thế.
Có 2 yếu tố tác động đến thế địa lý để đánh giá về lợi thế địa chiến lược:
Thứ nhất là sự thay đổi, cải tạo địa lý, tạo ra địa thế chiến lược có lợi sẽ làm thay đổi thế trận. Chẳng hạn việc Trung Quốc cho xây dựng các đảo ở quần đảo Trường Sa như Gạc Ma, Chữ Thập để tạo ra các điểm đứng chân giữa Biển Đông.
Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép vùng biến và đảo của Việt Nam cách đất liền của họ hàng ngàn km. Với khả năng hiện tại, lực lượng không quân, hải quân của Trung Quốc không thể tác chiến ở khu vực này có hiệu quả, cho nên, Trung Quốc phải cần các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, các trạm radar, thậm chí cả sân bay cho hoạt động tác chiến ở vùng biển xa.
Khi chưa có hạm đội tàu sân bay, Trung Quốc có tuyên bố ADIZ trên Biển Đông được hay không; khi chưa có căn cứ hậu cần kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có triển khai chiến lược chiếm Trường Sa băng tàu cá, bằng giàn khoan…hay không đều phụ thuộc vào cái gọi là căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Chữ Thập…
Chính vì vậy, việc xây dựng các căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa của Trung Quốc đã hạn chế phần nào khoảng cách địa lý, từ đó tạo ra một lợi thế địa chiến lược, do đó, đã tạo ra một thế trận khác trên khu vực quần đảo Trường Sa.
Thứ hai là sự phát triển của các phương tiện chiến tranh của các bên.
Có thể nói đây là biểu hiện rõ nét nhất của nguyên lý “thế lấy lực làm cơ sở”, “thế do lực quyết định”. Bất kỳ một kẻ đi xâm lược nào cũng thường bất lợi về thế, cho nên họ đều dùng lực lượng hùng hậu để tạo nên thế trận áp đảo “như chẻ tre”, hòng đánh nhanh giải quyết nhanh.
Thực tế, có những địa thế mà khi được tăng cường lực, như bố trí các trang bị vũ khí hiện đại…thì thế càng hiểm (tức lợi thế càng lớn). Chẳng hạn, như đảo Lý Sơn hay Cồn Cỏ được tăng cường một giàn phóng Bation-P (mà theo lý thuyết một loạt phóng của nó có thể buộc một hạm đội mạnh của đối phương phải ngừng thực thi nhiệm vụ) thì Biển Đông luôn là chảo lửa và là tử địa của tàu mặt nước.
So với Trung Quốc, thực lực quân sự Việt Nam không thể so sánh nổi khi chênh lệch gấp hàng chục lần. Song mỗi lần Việt Nam có thêm một chiếc SU-30MK2 hay một chiếc tàu ngầm KILO chẳng hạn là mỗi lần báo chí, giới quân sự Trung Quốc lại săm soi…thực ra, đây không phải là điều vô lý.
Việt Nam có lợi thế địa lý rất lớn trong phòng thủ Biển Đông, giống như một quả cân mà chỉ cần một thay đổi nhỏ là tạo ra một lực rất lớn nhấc bổng một khối lượng gấp hàng ngàn lần, cho nên, thêm một chiếc SU-30MK2 hay một chiếc tàu ngầm KILO hay một vài tàu tên lửa tấn công nhanh…luôn là một sự rất đáng ngại cho đối tượng.
Khi Việt Nam cho phép Nga vào vịnh Cam Ranh-căn cứ quân sự Hải quân trọng yếu của Việt Nam, vô điều kiện, thì không phải là Việt Nam có thêm một hay hai đơn vị máy bay, tên lửa, mà là sự khác biệt của vũ khí Nga trong tay Trung Quốc và Việt Nam về tính năng kỹ, chiến thuật, về khả năng sử dụng…mới là vấn đề.
Tại sao lại không lo lắng, suy nghĩ, khi đã có gấp đối phương hàng trăm máy bay, nhưng vẫn không thể chiếm ưu thế tác chiến trên không phận Biển Đông, trong khi một nguyên tắc trong tác chiến hiện đại đã thành chân lý là: “kẻ nào thống trị vùng trời, kẻ đó chiến thắng”.
Như vậy có thể nói, việc Trung Quốc đã cải tạo, xây dựng biến các đảo chiếm được trên quần đảo Trường Sa thành các căn cứ quân sự sắp hoàn thành; việc các quốc gia quanh Biển Đông tăng cường tiềm lực quân sự đã tạo ra một thế trận mới mà tính chất nguy hiểm, đối đầu rất cao.
“Cuộc chơi” trên Biển Đông đã bắt đầu thay đổi và trong bất luận trường hợp nào Việt Nam hiện nay, cũng đều tự tin, vì khi đang ở trên một nền tảng quân sự cơ bản, vững chắc.
(Theo Đất Việt)
Năm 2015: Cuộc chơi trên Biển Đông sẽ thay đổi?