Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Published 08:22:00 by

Nga: Quân sự là giải pháp cuối cùng, NATO là “mối đe doạ cơ bản”

Nga: Quân sự là giải pháp cuối cùng, NATO là “mối đe doạ cơ bản”


(tintuphuong.com) – Nga vừa thông qua một học thuyết quân sự mới, trong đó đề cập đến các mối đe dọa mới nổi đối với nền an ninh của quốc gia này.


Việc mở rộng quân sự của khối NATO và Chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ được liệt kê trong danh sách.


Học thuyết mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt hôm thứ Sáu (26/12), trong đó những vấn đề cốt lõi vẫn được giữ nguyên so với bản học thuyết cũ. Quân đội Nga cam kết giữ nguyên tính chất phòng thủ, và chỉ sử dụng quân đội như một phương sách cuối cùng.


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp được tổ chức tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 24/12/2014.



Nguồn tin RT cho hay, một vấn đề cũng không thay đổi là các nguyên tắc mà Nga tuân thủ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Mục tiêu chính của chiến lược “răn đe phi hạt nhân” là ngăn chặn kẻ thù tiềm năng tấn công Nga, nhưng quốc gia này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ mình khỏi một cuộc tấn công quân sự đe doạ nền an ninh của họ, dù là một cuộc chiến thông thường hay chiến tranh hạt nhân.


Các phần mới của các học thuyết vạch ra những vấn đề mà Nga coi là mối đe doạ, đó là việc khối NATO mở rộng và tăng cường quân sự; và thực tế là liên minh này “đang vươn vòi ra toàn cầu bằng cách vi phạm luật pháp quốc tế.”


Ngoài ra, học thuyết cũng liệt kê các mối đe dọa quân sự lớn từ bên ngoài, đó là: “việc chế tạo và triển khai các hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo làm mất đi sự ổn định toàn cầu và cân bằng quyền lực trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân, việc thực thi các cuộc “tấn công chớp nhoáng” và dự định triển khai vũ khí trong không gian”.


Tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky của Nga



Đồng thời, học thuyết cũng đề cập đến một trong những mục tiêu quân sự của Nga, đó là bảo vệ lợi ích của Nga tại khu vực Bắc Cực. Bên cạnh đó, học thuyết cũng chỉ ra những mối đe dọa đến từ các nước bất ổn có chung biên giới với Nga.


Về tình hình trong nước, học thuyết nêu rõ Nga phải đối mặt với: “hành động nhằm thay đổi hoàn toàn trật tự hiến pháp Nga, làm mất ổn định của môi trường chính trị và xã hội, mất khả năng tổ chức của các cơ quan chính phủ, các cơ sở dân sự và quân sự quan trọng và cơ sở hạ tầng thông tin của Nga”.


Học thuyết này cũng tuyên bố, Moscow nhìn nhận mối hợp tác quốc tế với các nước cùng chung mối quan tâm tới việc tăng cường an ninh, đặc biệt là các thành viên của BRICS, OSCE, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và những tổ chức khác, là chìa khóa để ngăn chặn các cuộc xung đột quân sự.


Học thuyết đề cập đến mối đe dọa thường trực mà Nga phải đối mặt, bao gồm chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; công nghệ tên lửa và hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài.


Học thuyết lưu ý các mối đe dọa hiện đại đang chuyển hướng từ tính chất quân sự sang tính chất thông tin, và tuyên bố khả năng Nga phải đối mặt với một cuộc chiến chính thức đang giảm dần.


(Theo Infonet)


      edit