Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Published 08:10:00 by

Nguyên thủ EU ‘nổi dậy’ chống lệnh cấm vận Nga của Mỹ?

Nguyên thủ EU ‘nổi dậy’ chống lệnh cấm vận Nga của Mỹ?


(tintuphuong.com) – Một nhà báo Mỹ vừa lên tiếng cho rằng, dường như đang có “cuộc nổi dậy” của nguyên thủ châu Âu chống lại lệnh cấm vận Nga do Mỹ đưa ra.



Lãnh đạo châu Âu “nổi dậy” chống lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga


Trong số lãnh đạo các quốc gia EU, báo giới châu Âu đang ghi nhận có cái gì đó “giống như cuộc nổi dậy” chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Ngày càng nhiều lời phàn nàn về lệnh cấm vận phản tác dụng này – cây bút chính luận Mỹ Patrick Smith viết trên tờ Salon.


Theo quan điểm của nhà báo Mỹ, bằng chứng của việc này là những tuyên bố gần đây của các lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Martin Lidegor.


Theo ông Smith, tất cả những nguyên thủ này, bằng cách này hay cách khác, theo con đường chính thức hay những tuyên bố mang tính chất cá nhân, đang chứng minh rằng họ không ủng hộ chính sách trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng đối với Nga, đồng thời gây ra những “tác dụng phụ” không mong muốn đối với châu Âu.


Chẳng hạn, Thủ tướng Italia đã tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt mới chống Liên bang Nga “hoàn toàn không cần thiết”. Còn lãnh đạo đảng Northern League của Italia – ông Matteo Salvini – cũng cho biết, châu Âu bắt đầu hiểu rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga là không có lợi.


Tuyên bố với hãng thông tấn Italia Askanews, ông Salvini cho biết, ngay cả Thủ tướng Italia Matteo Renzi cũng đã “tỉnh dậy từ giấc mơ” và cùng với các nguyên thủ châu Âu khác di chuyển từ quỹ đạo trừng phạt sang đối thoại với Nga.


Vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng, “không nhất thiết phải biện pháp trừng phạt mới”. Ông Hollande cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí duy trì hiện trạng đối với điện Kremlin với hy vọng Nga sẽ tôn trọng những quyết định của Ukraine, không vi phạm hiệp định ngừng bắn giữa các bên.


Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel là nhà lãnh đạo tỏ ra cứng rắn, cam kết giữ biện pháp trừng phạt để tăng cường áp lực kinh tế với điện Kremlin nhưng ngược lại, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lại bày tỏ quan điểm đứng về phía Tổng thống Pháp Hollande và các nhà lãnh đạo khác, lo lắng sự trừng phạt có thể gây phản tác dụng.


Cuộc đấu giữa Nga và Mỹ-EU đang đến giai đoạn căng thẳng nhất

Cuộc đấu giữa Nga và Mỹ-EU đang đến giai đoạn căng thẳng nhất.



Ông Salvini nhận định, các biện pháp trừng phạt này hiện không chỉ làm tổn thương nền kinh tế Nga mà còn làm tổn thương đến cả nền kinh tế của các quốc gia trên và họ đã bắt đầu nhận ra điều đó. “Châu Âu đang mở rộng mặt trận của những người chống lại các biện pháp trừng phạt Nga. Đó là tin tốt lành” – ông Salvini nói.


Theo lời ông, nếu năm 2008 châu Âu từng đủ mạnh để đối phó với những vấn đề kinh tế, thì bây giờ họ đang hầu như chẳng còn sức lực gì nữa. Nhà báo lưu ý rằng những vấn đề này, cụ thể là sự “hỗn loạn” trên thị trường tiền tệ các nước láng giềng với Nga, đơn giản là bị các phương tiện truyền thông Mỹ phớt lờ.


Nhà báo Patrick Smith cho rằng sự phá hoại của lệnh trừng phạt ngày càng cảm thấy rõ ở bên ngoài nước Nga, cả châu Âu đang bị chia rẽ bởi lệnh cấm vận này. Bởi vậy, phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.


Ngoái ra, Nga cũng nhận được sự ủng hộ từ các nhà ngoại giao châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí là cả quốc gia đang đàm phán gia nhập EU là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ của các nước này không đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ.


Những hành động của Nga được “cảm thông và thấu hiểu”


Ngoài ra, nhà báo Smith khẳng định rằng chính sách của Tổng thống Nga V. Putin nhận được sự cảm thông và thấu hiểu của nhiều người châu Âu.


Theo lời ông Patrick Smith, họ thừa nhận nhà lãnh đạo Nga có quyền cho rằng chủ quyền của nước Nga đang bị đe dọa và tiến hành các biện pháp đáp trả.


Vừa qua, tờ Daily Mail cũng đã đăng tải bài viết của nhà báo Anh Peter Hitchens với tiêu đề “Hãy quên đi Putin ‘ác độc’, chính chúng ta đã châm ngòi cho chiến tranh”, đả kích các các chính khách cao ngạo phương Tây đã tiến hành một cuộc chiến vô lý và tàn nhẫn chống lại nước Nga.


Theo nhà báo này, bên phải chịu trách nhiệm chính dẫn tới cuộc khủng hoảng Ukraine thuộc về Mỹ và Liên minh châu Âu. Chính họ là bên đang thèm muốn lãnh thổ màu mỡ của Ukraine, bờ Biển Đen, than, lúa mì và 48 triệu người dân nước này – nguồn cung cấp sức lao động với giá rẻ mạt cho EU.


Ngày càng có nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, cảm thấy khó chịu và phản đối việc phương Tây trừng phạt Nga. Nguyên thủ quốc gia Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech đều có chung nhận định là các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã đi quá xa.


Lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây họa cho cả EU

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây họa cho cả EU.



Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước đây đã lên tiếng phát biểu, Liên minh châu Âu đang tự làm đau chính mình bằng việc tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ông kêu gọi EU nghĩ lại bởi việc trừng phạt Nga của EU giống như việc liên minh này “tự bắn vào chân mình”.


“Chính sách trừng phạt mà phương Tây theo đuổi với hậu quả tất yếu là những hành động đáp trả của Moscow là những gì đang gây hại cho chúng ta nhiều hơn Nga”, Thủ tướng Orban phát biểu trên đài phát thanh quốc gia là “trong chính trị, người ta gọi đó là hành động tự bắn vào chân mình”.


Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, nói rằng đó là những biện pháp “vô nghĩa”, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của liên minh 28 thành viên bị ảnh hưởng. Cả Nga và EU đều không ai được lợi khi bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại kéo dài.


Ông Fico gay gắt hỏi: “Tại sao chúng ta lại phải làm hại nền kinh tế của EU. Ai được lợi nếu nền kinh tế EU bị suy thoái, nền kinh tế Nga gặp rắc rối và nền kinh tế Ukraine sụp đổ?”.


Mỹ và phương Tây cho rằng, các nước như Hungary, Slovakia hay Czech sợ Nga và cổ vũ họ cần phải hành động “dũng cảm” giống như Ba Lan – một nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa trước đây, hiện là “ngọn cờ đầu chống Nga”, đang tỏ ra rất cứng rắn với Moscow.


Tuy nhiên, trên thực tế, theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo Orban, Fico và Sobotka sở dĩ không muốn thách thức Nga như Lãnh đạo của Ba Lan Sikorski bởi họ hiểu rõ về nước Nga và cá nhân Tổng thống Putin chứ không phải vì vấn đề bản lĩnh cá nhân hay dũng cảm hoặc hèn nhát.


Các nước này thừa biết, việc dùng đòn trừng phạt với Nga chẳng có tác dụng gì, chẳng làm Tổng thống Putin hay giới lãnh đạo ở Moscow chùn bước mà thay vào đó chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ.


(Theo Đất Việt)


      edit