Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Published 08:09:00 by

Nhật sẽ ‘thoát Mỹ’, sửa Hiến pháp để đối phó Trung Quốc?

Nhật sẽ ‘thoát Mỹ’, sửa Hiến pháp để đối phó Trung Quốc?


(tintuphuong.com) – Quân đội Nhật Bản đang chuyển mình thành lực lượng phòng vệ tích cực để đối phó với Trung Quốc nhưng họ cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.


Nhật chuyển mình thành “lực lượng phòng vệ tích cực”


Nhật Bản dự định nâng cấp đáng kể lực lượng quốc phòng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia trong thời kỳ mới. Để củng cố lực lượng phòng vệ, Tokyo sẽ mua thêm máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát, xe bọc thép lội nước và tàu ngầm, chủ yếu là của Mỹ.


Nước này dự định sẽ thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu Hoa Kỳ, và cơ quan này sẽ đóng vai trò “trung tâm chỉ huy” hoạch định chính sách trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc gia. Các biện pháp này sẽ giúp thiết lập cơ chế tương tác giữa các lực lượng chiến đấu trên bộ, trên biển và trên không.


Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố kế hoạch trung hạn trong lĩnh vực quốc phòng cho giai đoạn 2014-2018. Theo văn kiện này, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF )sẽ chi khoảng 247 tỷ USD để nâng cấp trang bị cho các đơn vị lực lượng phòng vệ. Mục đích của hoạt động này là thành lập “lực lượng phòng vệ chung năng động”.


Các nhà phân tích lưu ý đến việc, mặc dù hầu hết các thiết bị quân sự mà ban lãnh đạo Nhật Bản có ý định mua sắm sẽ thay thế các loại vũ khí lỗi thời, nhưng, rõ ràng là, trong các vấn đề quốc phòng có những thay đổi đáng kể, trong đó có xu hướng thoát ly khỏi sự kìm chế quá mức của Mỹ để có thể phản ứng nhanh nhạy hơn trước các mối nguy hiểm an ninh quốc gia.


Ông Takesada Hidesi, một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh tại trường Đại học Takushoku ở Tokyo nhận định, trọng tâm chú ý của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ là việc bảo vệ các cụm đảo phía tây nam, tập trung vào các hòn đảo ở biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc là Senkaku.


Nhật Bản đang xây dựng một quân đội năng động

Nhật Bản đang xây dựng một quân đội năng động



Khi đưa tin về hợp đồng mua máy bay không người lái, kênh truyền hình NHK cũng đã cho biết rằng, rất có thể quyết định đó đã được thông qua vì các nước láng giềng với Nhật Bản là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc đã, đang và sẽ tăng cường các hoạt động quân sự, gây ra áp lực không nhỏ đối với quốc phòng nước này.


Tại sao Nhật Bản muốn hiện đại hóa lực lượng phòng vệ? Dường như đây là một bước đi cần thiết để đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng từ phía các nước láng giềng hoặc là xu hướng chung ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang ồ ạt tăng cường vũ khí, trang bị hiện đại cho lực lượng vũ trang?


Giáo sư Vitaly Shvydko của Viện Chính trị và kinh tế thế giới (IMEMO) của Nga cho biết, rõ ràng là Nhật Bản muốn hạn chế ảnh hưởng của chính sách “tự kiềm chế” trong lĩnh vực quốc phòng. Ở đây nói không chỉ về thành phần và cơ cấu lực lượng phòng vệ, mà còn về các loại vũ khí bởi Tokyo muốn được cởi trói.


Trước đây Mỹ phàn nàn Chính phủ Nhật Bản chi tiêu quá ít tiền cho quốc phòng nên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong liên minh quân sự. Và bây giờ, vấn đề đầu tiên là Tokyo cảm thấy rằng, chính sách tự kiềm chế trong các vấn đề quốc phòng đã lỗi thời, yếu tố thứ hai là áp lực từ phía Hoa Kỳ.


Hiện nay, Tokyo đang phải nhận mối đe dọa tiềm tàng chủ yếu từ phía Bắc Kinh không chỉ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà còn cả trong ý thức hệ dân tộc. Đối với Nhật Bản, giải quyết được vấn đề này có liên quan đến chủ quyền và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.


Tokyo tăng cường khả năng phòng vệ trước mối đe dọa từ Bắc Kinh (Ảnh: Hệ thống tên lửa bờ đối hạm Type 88 của Nhật)

Tokyo tăng cường khả năng phòng vệ trước mối đe dọa từ Bắc Kinh (Ảnh: Hệ thống tên lửa bờ đối hạm Type 88 của Nhật)



Tokyo bị ràng buộc quá mức bởi những hạn chế của bản “Hiến pháp Hòa bình” sau khi thất bại trong Thế chiến thứ 2 và họ tuân thủ đúng với những điều khoản của nó. Nhưng bây giờ đã là thời đại khác, Nhật Bản không muốn bị xem như “kẻ xâm lược bị bị đánh bại” và quyết tâm xây dựng quân đội xứng đáng với sức mạnh kinh tế của mình.


Ở đây không chỉ dơn thuần là nói về vũ khí mà còn về việc mở rộng khái niệm “phòng vệ”. Chính sách tự kiềm chế không cho phép nước này tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản hiện nay do ông Abe lãnh đạo coi đó là “di sản của quá khứ” cần phải được khắc phục.


Tokyo khẳng định, nước này sẽ tiếp tục duy trì vị trí của mình như một quốc gia hòa bình, gọi cách tiếp cận mới đối với lực lượng phòng vệ là chính sách “chủ nghĩa hòa bình tích cực”. Đây sẽ là khái niệm chính trong Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản trong thời kỳ mới.


Điều này làm tăng mối quan tâm và thậm chí phẫn nộ từ phía Trung Quốc và phần nào là hai nước trên bán đảo Triều Tiên. Trong tương lai, Tokyo không những phải đối đầu với Bắc Kinh mà còn phải lo “đối phó” với Washington – đồng minh lớn nhất của họ nhưng cũng có những mối quan hệ nhằng nhịt với Bắc Kinh.


Nhật gian nan thoát khỏi vòng kìm tỏa của Mỹ


Chuyên gia về Nhật Bản Victor Pavlyatenko đã từng phát biểu: “Trong mối quan hệ đồng minh với Tokyo, Washington luôn tập trung ưu tiên lợi ích quốc gia riêng của mình, chứ không phải lợi ích của các đồng minh. Vì vậy, đã từ lâu Tokyo muốn tái khẳng định sự độc lập về chính trị của họ”.


Chính sách phòng vệ mới cho phép quân đội Nhật có thể triển khai hoạt động ở nước ngoài

Chính sách phòng vệ mới cho phép quân đội Nhật có thể triển khai hoạt động ở nước ngoài



Giáo sư Katsumi Sugiyama của Đại học Meikai – Nhật Bản cũng đã từng đưa ra lời cảnh cáo là mặc dù đã đưa ra chiến lược chuyển trọng tâm nhằm vào Trung Quốc, nhưng Washington dường như không có ý định đối đầu với Bắc Kinh để bảo vệ Tokyo. Điều này thể hiện trong những hành động thực tế chứ không phải là những tuyên bố sáo rỗng của Hoa Kỳ.


Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh một mặt tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ, mặt khác không ngừng đẩy mạnh chiến lược quân sự hướng biển “chống tiếp cận/Khu vực cấm”. Điều này làm cho quan hệ giữa 2 bên mang tính chất “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, khiến Mỹ không thể mạnh tay đối phó với Trung Quốc.


Trong quá khứ, Washington từng nhận định Bắc Kinh là “Kẻ cạnh tranh chiến lược” và luôn theo dõi sát sao sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng hiện nay lại coi Bắc Kinh là “Người cùng chung lợi ích”, đối xử với Trung Quốc chả khác gì những đồng minh thân thiết của mình.


Một mặt, chính phủ Nhật Bản tìm cách củng cố liên minh Nhật-Mỹ để đối phó với nguy cơ đe dọa từ phía Trung Quốc. Mặt khác, Tokyo cần chủ động hơn trong đối phó với Bắc Kinh bởi họ cần nhớ tới “Cú sốc Nixon” ở thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bất ngờ hòa giải mà bỏ qua Nhật Bản.


Nhiều chuyên gia nhận định rằng, chừng nào còn quá phụ thuộc vào Washington, Tokyo sẽ không thể có những quyết định mạnh mẽ khi đối đầu với Bắc Kinh hoặc Mỹ sẽ kìm chế bớt các hành động của họ. Giới quan sát đang hy vọng, Thủ tướng Nhật Abe sẽ cho thấy sự khởi đầu của xu hướng độc lập trong chính sách của Nhật Bản.


Nhật Bản đang quyết tâm thoát khỏi cái bóng của Mỹ

Nhật Bản đang quyết tâm thoát khỏi cái bóng của Mỹ



Địa vị lãnh đạo một khối đồng minh đối phó Trung Quốc đòi hỏi phải có những hành động cứng rắn và cương quyết, nó chỉ xuất phát từ một vị “chủ soái” có mâu thuẫn đối kháng trực tiếp kiểu như Trung-Nhật chứ không thể được đưa ra từ một lãnh đạo “cùng chung lợi ích” với đối thủ như Hoa Kỳ.


Để đối đầu một cách sòng phẳng với Bắc Kinh, Tokyo cần phải tự chủ trong các đối sách chiến lược, không chịu sự chi phối của những rào cản lợi ích trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Khi đó, họ có thể sẽ trở thành lãnh tụ một khối đồng minh chống Trung Quốc, tạo được áp lực đủ mạnh khiến Bắc Kinh phải chùn bước.


Tuy điều này là rất khó khăn nhưng nếu ông Shinzo Abe quyết tâm hành động trong vấn đề này, không lệ thuộc vào quan điểm của Hoa Kỳ, thì đó không phải chỉ là chiến thắng của riêng ông mà nó là một sự chuyển mình quan trọng, đánh dấu sự một đường lối chính trị và đối ngoại tự chủ, độc lập hơn với Mỹ.


Lúc đó, “người anh cả” Hoa Kỳ sẽ chỉ giữ vai trò một “cố vấn”, thậm chí là một “kẻ điều hòa lợi ích”, điều đó sẽ giúp họ không phải đối đầu trực tiếp, tránh tổn hại tới mối quan hệ “cùng có lợi” với Trung Quốc. Giao trọng trách cho Nhật cũng rất có lợi cho Mỹ trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, mà họ lại đang phải căng mình trên khắp thế giới.


Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là liệu Mỹ có hài lòng khi thấy Nhật Bản chia sẻ địa vị lãnh đạo khối đồng minh chi phối Trung Quốc hay không? Đây là một trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với một cường quốc đã quen thống trị thế giới hơn nửa thế kỷ qua như Hoa Kỳ.


Có thể nhận định rằng, con đường Nhật Bản phải vượt qua để thoát khỏi cái bóng của Mỹ là rất gian nan. Tokyo sẽ vừa phải chống lại đối thủ hùng mạnh là Bắc Kinh, vừa phải lo dàn xếp ổn thỏa mối quan hệ với “đồng minh lớn” Washington, đồng thời cũng phải vượt qua cửa ải gian nan của tâm lý xã hội Nhật Bản.


(Theo Đất Việt)


      edit