Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Published 08:11:00 by

Tàu chiến Nga-Mỹ so găng ở Biển Đen

Tàu chiến Nga-Mỹ so găng ở Biển Đen


(tintuphuong.com) – Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến Mỹ và NATO luân chuyển nhiều tàu chiến đến Biển Đen, tuy nhiên Nga cũng chẳng vừa.




Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, nhiều tàu chiến của Mỹ và NATO đã được điều đến Biển Đen. Ngày 26/12, tàu USS Donald Cook của Mỹ đã có mặt tại Biển Đen nhằm duy trì ổn định khu vực.



USS Donald Cook là khu trục hạm tên lửa lớp Arleigh Burke, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa thuộc loại mạnh nhất trên thế giới. Con tàu không chở theo máy bay nhưng được trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có các ngư lôi và tên lửa hành trình Tomahawk.



Tháng 4/2014, Nga từng điều 2 máy bay chiến đấu Su-24 khiêu khích ở cự ly gần với tàu khu trục USS Donald Cook. Vụ việc đã kết thúc sau khoảng 90 phút mà không có sự cố gì xảy ra. Chiếc Su-24 của Nga có vẻ không mang theo tên lửa dưới cánh.



Góp mặt tại Biển Đen còn có tàu khu trục USS Truxtun (DDG-103) của Mỹ. Vũ khí chủ lực trên tàu là 96 hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa phòng không tầm xa SM-2 hoặc tên lửa đánh chặn SM-3.



DDG-103 được trang bị 1 pháo hạm 127mm mod 4 với nòng pháo dài gấp 62 lần cỡ đạn, tầm bắn tối đa khoảng 27km, có thể bắn từ 15-20 viên/phút trong chế độ bắn tự động.



Tàu USS Taylor của Mỹ



Tàu tuần dương USS Vella Gulf lớp Ticonderoga mang tên lửa dẫn đường đã tiến vào Biển Đen dài 173m có khả năng mang theo 400 thuyền viên và đạt đến vận tốc tối đa 30 hải lý. Vella Gulf được trang bị các loại vũ khí tối tân như tên lửa đất đối không SM-2, tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa hành trình Tomahawk, ngư lôi…



Ngoài các tàu chiến của Mỹ, NATO cũng triển khai nhiều tàu chiến khác như khinh hạm Surcouf của Pháp, tàu hộ tống Macitis của Hy Lạp, tàu tình báo Elettra của Italia… đến Biển Đen. Theo Công ước Montreux, các tàu chiến không thuộc các quốc gia ven Biển Đen không được phép ở lại vùng biển này quá 21 ngày và trọng tải của tàu cũng không được vượt quá 30.000 tấn. Do đó, các tàu chiến liên tục được Mỹ và NATO luân chuyển. Trng ảnh là tàu USS Ross của Mỹ được điều đến Biển Đen.



Trước hành động luân chuyển tàu chiến đến Biển Đen của Mỹ và NATO, đại sứ Nga tại NATO, Aleksandr Grushko tuyên bố: “Thật không may, Biển Đen đang trở thành nơi các nước không có chủ quyền tại đây xuất hiện thường xuyên. Những gì họ làm chưa hề rõ ràng nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết”. Trong ảnh, tàu đổ bộ Azov của Hạm đội Biển Đen.



Hiện Hạm đội Biển Đen của Nga phụ trách khu vực Biển Đen. Hạm đội này được trang bị hàng loạt tàu chiến khủng. Trong ảnh là tàu ngầm tấn công Alrosa của Hạm đội Biển Đen.



Tàu ngầm Alrosa có lượng giãn nước khi lặn 3.950 tấn, có thể lặn sâu 300m với tốc độ 17 hải lý/giờ. Vũ khí trên tàu gồm 6 ống phóng ngư lôi 533mm, với cơ số 18 quả ngư lôi hoặc 24 quả thủy lôi, 4 tên lửa đất đối không Strela-3.



Tàu chống ngầm cỡ lớn Kerch, tàu hộ tống Suzdalets ASW, tàu chống ngầm cỡ nhỏ MPK-220 Vladimirets, tàu khu trục tên lửa Smetlivy… cũng là các tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển Đen. Trong ảnh là tàu chống ngầm Kerch.



Tàu Kerch được trang bị 2 bệ phóng tên lửa và 4 bệ phóng rocket chống ngầm. Ngoài ra, nó còn sở hữu 2 cặp bệ phóng tên lửa đối không, 2 pháo nòng đôi AK-726, 4 pháo bắn nhanh điều khiển radar AK-630, 10 ống phóng ngư lôi và có thể mang theo một trực thăng Ka-25.



Nga có kế hoạch tăng cường thêm 80 tàu chiến mới, cũng như triển khai các tàu ngầm được trang bị tên lửa tầm trung cho Hạm đọi Biển Đen. Theo Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga Alexander Vitko, các tàu này sẽ cập cảng Novorossiysk trước năm 2020, nâng tổng số tàu chiến của Hạm đội Biển Đen lên mức 206 tàu.



Cũng theo ông Vitko, đến cuối năm 2016, căn cứ Novorossiisk sẽ hoàn tất việc xây dựng, và tiếp đón 7 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tầm trung, có tầm bắn 1.500 km.


(Theo Đất Việt)


      edit