Ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam?
(Biển Đảo) – Hỏi: “Trong bối cảnh hiện nay, Luật Biển Việt Nam ra đời có ý nghĩa như thế nào?”- Nguyễn Thị Hương (Hà Nội)
Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, công tác xây dựng Luật Biển Việt Nam đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa X. Trên cơ sở quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tham khảo các thông lệ quốc tế và thực tiễn của nhiều quốc gia ven biển, dựa trên các yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của nước ta, trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, XI, XII với nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, tới phiên họp ngày 21/6/2012 trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành là 99,8%.
Quốc hội ấn nút thông qua Luật Biển Việt Nam (Ảnh TTXVN)
Đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản Luật quy định khá đầy đủ về chế độ pháp lý các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác và quản lý các vùng biển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế. Với Luật Biển Việt Nam, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
(Theo Tiền Phong)
Ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam?